1. Viêm thận bể thận là do đâu?
Viêm thận bể thận thường bắt đầu bởi viêm niệu quản và bàng quang lan lên thận, thường do vi khuẩn. Phần lớn các trường hợp vi khuẩn xâm nhập ngược dòng từ đường niệu dưới đi lên, chẳng hạn ở phụ nữ mang thai có hiện tượng trào ngược nước tiểu, vi khuẩn sẽ ngược dòng tiểu để đến đài bể thận và gây tổn thương nhu mô thận. Ước tính có đến 1/3 số phụ nữ mang thai bị viêm thận bể thận do vi khuẩn.
Ngoài phụ nữ mang thai thì một số người được đặt thông tiểu lâu ngày, chụp đường niệu ngược dòng, phẫu thuật cắm niệu quản – ruột, niệu quản – đại tràng dễ bị nhiễm khuẩn ngược dòng hoặc bệnh nhân bị sỏi thận (đặc biệt sỏi thận dạng san hô thường có ổ nhiễm khuẩn tại thận). Thêm vào đó, vi khuẩn có thể từ một nơi nhiễm trùng nào đó của cơ thể theo đường máu đến thận để gây viêm thận bể thận.
Dù biết nguyên nhân gây viêm thận bể thận là do vi khuẩn nhưng không ít trường hợp không phát hiện được vi khuẩn từ đâu gây ra bệnh. Thận bị viêm sẽ bị giãn to ra do hiện tượng viêm phù nề và bề mặt không nhẵn, khi cắt vào nhu mô thận sẽ thấy ranh giới giữa vỏ và tủy thận không rõ ràng, có nhiều ổ áp-xe nhỏ ở nhu mô, niêm mạc vùng đài bể thận bị tổn thương. Quan sát trên kính hiển vi sẽ thấy những ổ xuất huyết, phù nề và xâm nhiễm tế bào viêm.
Triệu chứng của viêm thận bể thận thường gặp là sốt, đôi khi sốt cao và kèm lạnh run, bệnh nhân mệt mỏi, ăn uống kém. Kèm theo đau vùng thắt lưng, đau cạnh hông hoặc đau vùng khớp háng. Có khi là đau bụng với cơn đau quặn thận. Bệnh nhân cũng gặp phiền toái trong vấn đề đi tiểu: tiểu nhiều lần, cảm giác nóng rát hoặc đau khi tiểu, một số trường hợp có tiểu ra máu.
2. Biến chứng của viêm thận bể thận cấp
Các dấu hiệu nhiễm khuẩn của viêm bể thận cấp xuất hiện rầm rộ. Bệnh nhân sốt cao đột ngột, rét run, thể trạng suy sụp nhanh, môi khô nứt nẻ, lưỡi bẩn… Nếu bệnh nhân dùng thuốc hạ sốt thì sốt sẽ giảm đi trong một khoảng thời gian ngắn (vài giờ) sau đó sốt lại bùng phát trở lại. Kèm theo đó, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau ở vùng sườn lưng, đau một bên hoặc đau cả hai bên, thường là đau âm ỉ nhưng có khi có sẽ đau dữ dội như dao đâm, cơn đau sẽ lan xuống vùng bàng quang, thậm chí lan ra cả bộ phận sinh dục ngoài.
Không phải tất cả mọi trường hợp viêm thận bể thận cấp đều có biểu hiện như đái buốt, cảm giác nóng rát, đái rắt, đái đục, đôi khi có trường hợp đái ra máu. Xét nghiệm máu có bạch cầu tăng, đặc biệt là bạch cầu đa nhân trung tính tăng, có thể có nhiễm khuẩn huyết. Khi ure và creatinin máu tăng cao là biểu hiện suy thận cấp hoặc đợt cấp của suy thận mạn. Ngoài ra, bệnh nhân viêm thận bể thận cấp còn có biểu hiện chán ăn, ăn không ngon, buồn nôn, nôn, bụng trướng, cơ thể mệt mỏi rã rời.
Bệnh viêm thận bể thận cấp thường tiến triển tốt và hồi phục hoàn toàn nếu được điều trị sớm, đúng thuốc. Thường thì sau vài ngày sẽ cắt được cơn sốt, nước tiểu của bệnh nhân sẽ trong trở lại sau 1 – 2 tuần. Nhưng nếu viêm thận bể thận cấp điều trị muộn hoặc điều trị không đúng thì bệnh dễ tái phát, chuyển thành viêm thận bể thận mạn tính, suy thận, hoại tử núm thận, ứ mủ thận, nhiễm khuẩn huyết, tăng huyết áp… những biến chứng này có thể khiến bệnh nhân tử vong.
3. Biến chứng viêm thận bể thận mạn tính
Viêm thận bể thận mạn tính là tình trạng tổn thương mạn tính ở nhu mô, mô kẽ của thận, đây là hậu quả của quá trình viêm đài bể thận vào thận, kéo dài và tái phát nhiều lần, làm hủy hoại và xơ hoá tổ chức thận, dẫn đến suy thận. Biểu hiện lâm sàng khá đa dạng, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nam gặp nhiều hơn nữ. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, viêm thận bể thận mạn tính dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm, trong đó có suy thận.
Biến chứng của bệnh viêm thận bể thận mạn tính nặng hay nhẹ tùy thuộc vào bệnh xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên thận, bệnh mới xảy ra hay đã tái phát lâu ngày, bệnh có do nguyên nhân tắc nghẽn đường niệu phối hợp không. Nếu tổn thương ở một bên thận: thường âm thầm, không có triệu chứng rõ rệt, chỉ phát hiện khi có biến chứng như: cơn đau quặn thận hoặc đợt nhiễm khuẩn bộc phát. Nếu nguyên nhân do ứ tắc không được giải quyết thì thận ứ nước – ứ mủ, tổ chức xơ phát triển thay thế tổ chức lành của thận, thận bị phá hủy teo nhỏ xơ hoá gây tăng huyết áp. Nếu tổn thương ở cả hai bên: bệnh tiến triển nhanh dẫn đến tăng huyết áp, ure, creatinin máu tăng dần dẫn đến tình trạng suy thận