Bệnh viêm bàng quang – Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu

Bệnh viêm bàng quang – Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu

VIÊM BÀNG QUANG LÀ BỆNH GÌ?

Viêm bàng quang là tình trạng nhiễm khuẩn tại bàng quang. Đây là một trong số những bệnh nhễm khuẩn đường tiết niệu phổ biến, chiếm trên 50% số ca nhiễm trùng đường tiết niệu.

  • Bệnh viêm bàng quang rất thường gặp trong cộng đồng, có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ, tập trung ở nữ nhiều hơn nam giới với tỉ lệ 9/1. Theo ước tính, có đến 40-50% chị em phụ nữ trong độ tuổi trưởng thành bị viêm bàng quang.
  • Viêm bàng quang được phân loại thành 4 dạng: Viêm bàng quang cấp tính và viêm bàng quang mãn tính, viêm bàng quang do vi khuẩn và viêm bàng quang không do vi khuẩn.
  • Một khi đã bị viêm bàng quang thì nguy cơ tái nhiễm là rất cao. Bệnh nhân không điều trị hoặc điều trị kéo dài mà không hiệu quả triệt để sẽ dẫn đến biến chứng nghiêm trọng nhất là viêm đài bể thận, suy thận.

TRIỆU CHỨNG KHI BỊ VIÊM BÀNG QUANG

Các triệu chứng viêm bàng quang phổ biến là các hiện tượng bất thường khi đi tiểu tiện là:

  • Tiểu rắt: Hiện tượng đi tiểu nhiều lần nhưng lượng nước tiểu ít, cảm giác tiểu không hết.
  • Đau và nóng rát mỗi khi đi tiểu.
  • Nước tiểu đục và có mùi hôi khó chịu.
  • Tiểu gấp, tiểu vội, trẻ em có thể bị tè dầm vào ban đêm.
  • Tiểu ra máu vào cuối bãi nếu như viêm bàng quang do sỏi bàng quang hoặc lao bàng quang.
  • Đau bụng dưới, đau hai bên sườn hoặc đau ở giữa lưng.
  • Triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, sốt nhẹ dưới 38C,…

Lưu ý:

Nếu không điều trị, viêm nhiễm tại bàng quang sẽ trở thành mãn tính. Triệu chứng viêm bàng quang mãn tính khá giống với cấp tính nhưng không biểu hiện rầm rộ như cấp tính, biểu hiện đặc trưng chỉ là tiểu rắt, tiểu buốt và cảm giác đau lan tới bẹn, đùi, tiểu đục và có mủ vào cuối bãi…

NGUYÊN NHÂN GÂY VIÊM BÀNG QUANG

Căn nguyên gây viêm bàng quang chủ yếu là do vi khuẩn, đứng hàng đầu là họ vi khuẩn đường ruột như E.coli, Proteus, Enterobacter, Citrobacter. Tiếp đến là vi khuẩn họ cầu khuẩn, chủ yếu là tụ cầu da (S. epidermidis) hoặc tụ cầu hoại sinh (S. saprophyticus).

Ngoài ra, viêm bàng quang còn do vi khuẩn gây viêm niệu đạo cấp hoặc mãn tính đi ngược dòng lên là Chlammydia, Mycolasma.

Các vi sinh vật trên có thể xâm nhập và gây viêm ở bàng quang là do:

  • Do vệ sinh cá nhân không tốt, nhất là chị em có lỗ tiểu gần hậu môn nên rất dễ bị viêm nhiễm khi vệ sinh.
  • Viêm bàng quang do biến chứng của một số bệnh như đái tháo đường, viêm và u xơ tiền liệt tuyến, tổn thương tủy sống, sỏi, u, dị dạng bàng quang. Phụ nữ đang mang thai hoặc người đang điều trị ung thư… có nguy cơ viêm bàng quang cao.
  • Do các thủ thuật y tế như nội soi thăm dò bàng quang, thông bàng quang, dẫn lưu bàng quang, tán sỏi bàng quang, phẫu thuật bàng quang… không bảo đảm điều kiện tiệt trùng tiệt khuẩn, làm cho viêm nhiễm xâm nhập và gây viêm cho bàng quang.
  • Dùng các hóa chất như tắm bồn với xà phòng tạo bọt, dùng dung dịch sản phẩm vệ sinh phụ nữ dạng xịt hoặc kem thuốc diệt tinh trùng…
  • Thói quen sinh hoạt xấu như nhịn tiểu khiến nước tiểu đọng tại bàng quang quang, táo bón lâu ngày, tình dục không bảo đảm tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, phát triển.

CÁCH ĐIỀU TRỊ VIÊM BÀNG QUANG

Nguyên tắc quan trọng đầu tiên để chữa khỏi bệnh là cần đi khám càng sớm càng tốt, tránh để trở thành viêm bàng quang mãn tính.

Khi đi khám viêm bàng quang, người bệnh sẽ được kiểm tra nguyên nhân gây viêm bằng cách thực hiện tổng phân tích nước tiểu để tìm vi khuẩn gây bệnh, soi bàng quang và chẩn đoán hình ảnh (chụp X-quang, chụp CT scanner).

Điều trị viêm bàng quang phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh:

Điều trị viêm bàng quang do vi khuẩn

Kháng sinh là lựa chọn đầu tiên để điều trị viêm bàng quang do vi khuẩn. Viêm bàng quang lần đầu cần dùng kháng sinh trong ba ngày đến một tuần, viêm bàng quang tái phát cần dùng kháng sinh trong thời gian dài hơn từ 15-20 ngày.

Sau khi kết thúc quá trình điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ loại bỏ các yếu tố thuận lợi gây ra viêm bàng quang như điều trị tán sỏi hoặc mổ lấy sỏi, mổ u phì đại tuyến tiền liệt…

Điều trị viêm bàng quang không do vi khuẩn

Nếu viêm bàng quang do hóa chất thì phải dừng ngay việc dùng các hóa chất, nếu viêm bàng quang do hóa trị hoặc thuốc thì khuyến khích người bệnh uống nhiều nước hơn để giảm bớt triệu trứng viêm.

Với những nguyên nhân gây viêm bàng quang không thể thay đổi được như chị em trong giai đoạn mang thai, người bị tai biến mạch máu não, bị bệnh liệt tủy, thì cần đến các biện pháp hỗ trợ, làm giảm triệu chứng viêm bàng quang như sau:

  • Dùng túi chườm nóng vùng bụng để giảm cảm giác căng tức hoặc đau bàng quang.
  • Tắm nước ấm.
  • Dùng thuốc giảm đau nếu bị đau nhiều.
  • Uống nhiều nước, hạn chế thức ăn cay nóng và các chất kích thích như cà phê, rượu, trà, nước cam, chanh…

Phòng ngừa viêm bàng quang tái phát

Viêm bàng quang rất dễ tái phát, do đó, người bệnh sau khi điều trị phải tiến hành khám bệnh định kỳ và vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, chú ý một số điều sau:

  • Chị em không nên dội hoặc xịt nước rửa từ sau ra trước.
  • Tắm vòi hoa sen thay vì tắm bồn.
  • Không ngồi lâu một chỗ, không nên nhịn tiểu.
  • Vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ, đi tiểu trước và sau khi sinh hoạt tình dục.
  • Uống đủ 1,5 -2 lít nước mỗi ngày, mỗi lần một ít một, không nên dồn dập, tăng cường uống nhiều nước canh.
  • Vận động hàng ngày bằng các bài tập thể dục buổi sáng hoặc đi bộ, chơi các môn thể thao nhẹ.

 

Gọi Điện trực tiếp để được Dược sĩ, Bác Sĩ Nhà Thuốc Z159 tư vấn: 0377 963 359
btn-dangkyhocthu

0377 963 359

0379.653.075

hotline nhathuocz159